CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN



Viêm phế quản có thể cấp hoặc mạn, bài này đề cập đến chăm sóc người bệnh viêm phế quản mạn.

1. ĐỊNH NGHĨA:

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng tăng tiết dịch nhầy của niêm mạc phế quản gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt tối thiểu là 3 tháng trong một năm và ít nhất là trong 2 năm liên tục.

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ:

- Khói thuốc lá, thuốc lào.

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn.

- Nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với bụi vô cơ, hữu cơ như công nhân mỏ than, công nhân luyện kim, thợ cán bông.

- Không khí bị ô nhiễm, khí hậu ẩm ướt.

- Tuổi cao, nam giới, cơ địa dị ứng.

- Điều kiện sống thấp kém.

3. TRIỆU CHỨNG

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Viêm phế quản mạn là bệnh của người lớn tuổi (>50 tuổi), phần lớn là bệnh của nam giới có nghiện thuốc lá, thuốc lào. Bệnh nhân khó nhận ra bệnh bắt đầu từ lúc nào, khi bệnh đã rõ thì có các triệu chứng thường gặp như sau:

- Ho và khạc đờm: thường ho và khạc đờm về buổi sáng, đờm nhầy, trong, dính hoặc đờm có màu xanh, vàng đục như mủ, lượng đờm trong 24 giờ khoảng 200 ml. Mỗi đợt ho và khạc đờm kéo dài khoảng 3 tuần lễ thường vào những tháng mùa đông, đầu mùa thu.

- Đợt cấp của viêm phế quản mạn: thỉnh thoảng bệnh lại vượng lên một đợt cấp do bội nhiễm, trong đợt cấp gặp những triệu chứng sau:

+ Ho khạc đờm có mủ.

+ Khó thở giống như cơn hen phế quản.

+ Sốt thường nhẹ hoặc vừa, ít khi có sốt cao.

+ Nghe phổi: có ran rít, ran ngáy, ran ẩm.

- Bệnh nhân dễ bị tử vong trong đợt cấp do suy hô hấp cấp.

3.2. Cận lâm sàng

- Chụp X quang phổi có thể thấy những biểu hiện gián tiếp của giãn phế nang.

- Xét nghiệm máu: trong đợt cấp, số lượng bạch cầu tăng, tốc độ máu lắng tăng.

- Xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn gây bệnh. Chú ý tìm BK.

- Thăm dò chức năng hô hấp thường thấy giảm.

4. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

4.1. Tiến triển

Lúc đầu bệnh nhẹ, bệnh nhân không để ý vì không ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt. Bệnh tiến triển từ từ trong 5 – 10 - 20 năm. Trong quá trình tiến triển có biến chứng sau:

4.2. Biến chứng

- Bội nhiễm phổi: viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi.

- Giãn phế nang.

- Suy hô hấp cấp.

- Suy tim phải là biến chứng cuối cùng.

5. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH

5.1. Điều trị trong đợt cấp

- Dẫn lưu đờm theo tư thế và kết hợp vỗ rung lồng ngực.

- Cho các thuốc loãng đờm.

- Cho thuốc giãn phế quản nếu có dấu hiệu co thắt phế quản: theophylin, salbutamol, diaphylin.

- Cho corticoid để chống phù nề và giảm tiết dịch.

- Cho kháng sinh chống nhiễm khuẩn: ampixilin, gentamixin.

5.2. Phòng bệnh

- Tránh những yếu tố kích thích đường hô hấp đặc biệt thuốc lá, thuốc lào.

- Có biện pháp bảo hộ lao động cho những người tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi như công nhân làm ở hầm mỏ.

- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

- Những người dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cần được tiêm phòng cúm vào mùa đông và mùa thu.

6. CHĂM SÓC

6.1. Nhận định chăm sóc

6.1.1. Hỏi bệnh

- Hỏi về các đợt ho và khạc đờm.

- Thời gian của mỗi đợt.

- Tính chất và màu sắc đờm.

- Khó thở, mức độ và tính chất của khó thở.

- Tìm nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh như:

+ Hút thuốc lá.

+ Nghề nghiệp tiếp xúc với khói, bụi.

+ Môi trường sống bị ô nhiễm.

+ Tình trạng viêm đường hô hấp trên tái diễn.

6.1.2. Khám bệnh

- Toàn trạng: chú ý các biểu hiện nhiễm khuẩn, tím, phù.

- Hô hấp:

+ Quan sát hình dạng lồng ngực, đếm tần số thở, đặc điểm của khó thở.

+ Ho và khạc đờm, số lượng và màu sắc đờm.

- Tuần hoàn: đo huyết áp, bắt mạch, đếm tần số tim.

- Tham khảo các kết quả xét nghiệm: X quang, khí máu…

6.2. Lập kế hoạch chăm sóc

- Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản.

- Thực hiện các y lệnh về thuốc cho bệnh nhân.

- Chăm sóc về dinh dưỡng và tinh thần.

- Phòng và phát hiện sớm các biến chứng.

- Thực hiện giáo dục sức khoẻ.

6.3. Thực hiện chăm sóc

6.3.1. Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản

- Cho bệnh nhân nằm ở tư thế dẫn lưu (đầu thấp nghiêng về một bên).

- Cho bệnh nhân uống nhiều nước (khi chưa có suy tim và phù) để đờm loãng dễ khạc.

- Thực hiện các động tác vỗ và rung lồng ngực để gây long đờm.

- Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu và ho có hiệu quả (thực hiện 4 lần/ngày, mỗi lần 5 - 10 phút).

6.3.2. Thực hiện các mệnh lệnh về thuốc

- Thực hiện y lệnh thuốc loãng đờm, long đờm (không dùng thuốc kìm ho).

- Thực hiện y lệnh thuốc kháng sinh (chú ý choáng phản vệ).

- Thực hiện y lệnh thuốc giãn phế quản (chú ý tác dụng phụ của thuốc như khó chịu, buồn nôn, mạch nhanh với theophylin uống, trụy tim mạch hoặc ngừng thở nếu tiêm tĩnh mạch diaphylin quá nhanh).

- Thực hiện y lệnh thuốc corticoid (chú ý nhiều tai biến như giảm sức đề kháng, loãng xương, tăng huyết áp, chảy máu tiêu hoá...).

6.3.3. Chăm sóc về dinh dưỡng và tinh thần

- Cho bệnh nhân ăn chế độ ăn giàu calo, giàu đạm và vitamin.

- Động viên và khích lệ để bệnh nhân an tâm điều trị.

6.3.4. Đề phòng và phát hiện sớm các biến chứng

Theo dõi sát bệnh nhân:

- Phát hiện khó thở, mức độ, đếm tần số thở.

- Mức độ tím tái.

- Mạch, huyết áp, thân nhiệt.

- Đờm, số lượng và màu sắc.

- Tình trạng phù chi.

6.3.5. Giáo dục sức khoẻ

- Khuyên bệnh nhân tránh tất cả những yếu tố gây kích thích niêm mạc phế quản:

+ Không hút thuốc lá, thuốc lào.

+ Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

+ Cải thiện môi trường sống: sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

+ Nếu có điều kiện nên tiêm phòng cúm vào mùa thu, đông.

- Luyện tập phục hồi chức năng hô hấp:

+ Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu để tống được nhiều khí cặn (hít vào sâu bằng mũi, thở ra hết bằng miệng chúm môi), tập 4 lần/ngày, mỗi lần 5 - 10 phút.

+ Hướng dẫn bệnh nhân cách tự làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản bằng cách: hằng ngày uống đủ nước, tập ho có hiệu quả (ho 2 tiếng một ở thì thở ra, tiếng thứ 2 mạnh kết hợp với lực ép của cơ hoành).

+ Khuyên bệnh nhân có chế độ ăn đủ calo, đạm và giàu vitamin, luyện tập thể dục hợp lý để tăng cường sức đề kháng.

Dặn bệnh nhân khi thấy có một trong các dấu hiệu bất thường như khó thở, sốt, khạc đờm mủ, phù… phải đến khám lại.

6.4. Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi :

- Bệnh nhân ngày một dễ thở hơn.

- Giảm và sạch dịch xuất tiết ở đường hô hấp.

- Không bị các biến chứng.

- Thể trạng tốt hơn.

- Biết cách phòng bệnh.

Đăng nhận xét

[blogger]
[blogger]

Author Name

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.